Thursday, May 11, 2006

Vet tich cua tin nguong Totem trong Kito giao

CHÚA THÁNH THẦN, THÁNH LINH, THẦN KHÍ LÀ MỘT HAY KHÁC?

Nhiều học giả nghiên cứu Kitô giáo cho rằng "Chúa Thánh Thần" chẳng qua là sản phẩm của công đồng Nikêa. Theo các nhà nghiên cứu, cái mà ngày nay Kitô giáo gọi là "Chúa Thánh Thần" không hề có trong thời Giêsu và các tông đồ. Trong Cựu Ước, sách Sáng Thế Ký mô tả "Thần Khí" bay là là trên mặt nước (St 1,2), làm ta hình dung đến một hiện tượng vật lý rất tự nhiên mà ngày nay khoa vât lý học gọi là sự bay hơi (bốc hơi), chúng tạo nên một màn sương mờ mờ ảo ảo. Sự nhân cách hóa một hiện tượng tự nhiên thành một vị thần như: thần sông, thần biển, thần gió, thần núi v.v. là sinh hoạt tín ngưỡng thời sơ khai của con người trong xã hội nguyên thủy. "Thần Khí" của con người thời sơ khai trong Cựu Ước cũng không ngoại lệ.
Trong Tân Ước, "Thần Khí" còn được biết đến dưới một tên khác: "Thánh Linh" (Holy Ghost, Holy Spirit) được biểu thị bằng một con "chim bồ câu" (xuất hiện khi Giêsu chịu phép rửa với Gioan Tẩy Giả trên sông Giôđan), hoặc biểu tượng "đốm lửa" (xuất hiện trên đầu các tông đồ khi các ông đang hội họp trong nhà Tiệc Ly). Có học giả cho rằng: "chim bồ câu" hoặc "đốm lửa" là vết tích của tín ngưỡng Tôtem, bái vật trong thời kỳ tiền Kitô giáo.
Dấu ấn của Tôtem giáo
Tôtem giáo là một hình thức tín ngưỡng quan trọng vào bậc nhất của xã hội nguyên thủy. Khoa khảo cổ học đã chỉ ra ý nghĩa của những bức tranh khắc trên vách đá, được tìm thấy trong các hang động thời kỳ đồ đá, mô tả lễ hội tín ngưỡng Tôtem. Nét độc đáo của lễ hội này là ăn thịt Tôtem (vật tổ) sau khi đã thực hiện nghi thức cúng bái Tôtem. Người nguyên thủy tin rằng: ăn thịt vật tổ là cách để vật tổ có thể tồn tại mãi trong mỗi con người. "Ăn" không phải để giải quyết "vấn đề bao tử" mà ăn trong một trạng thái tâm linh hưng phấn, một nghi thức vô cùng thiêng liêng. Nghi thức ăn thịt Tôtem (vật tổ) mang một ý nghĩa triết lý sâu xa trong tâm thức người nguyên thủy. Thông qua nghi thức ăn vật tổ mà con người thực hiện việc chuyển hóa quan hệ huyết thống họ hàng sang quan hệ thiêng liêng với Tôtem, vật tổ. Niềm tin vào sự hóa thân của vật tổ vào tất cả mọi thành viên trong cộng đồng đã khiến cho người ta tin rằng: Khi một phụ nữ mang thai thì chính Tôtem đã tạo ra cái thai đó.
Dấu ấn của Tôtem giáo còn khá rõ nét trong Kitô giáo nguyên thủy. Chim bồ câu chính là Tôtem vật tổ, Khi Maria mang thai thì chính Tôtem đã "phủ" lên bà. Maria thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần, cũng có nghĩa là bởi Tôtem vật tổ, tức chim bồ câu. Nghi thức "ăn thịt vật tổ" trong tín ngưỡng Tôtem cũng lại được tìm thấy trong "Bí tích Thánh Thể" của Kitô giáo. Trước ngày "chịu nạn", Giêsu họp các môn đồ lại, cầm bánh bẻ ra và chia cho các môn đồ nói: "Ðây là thịt ta, các con hãy ăn.". Sau đó ông lấy rượu và chia cho môn đồ rồi nói: "Ðây là máu ta các con hãy uống." Dù đó chỉ là một nghi thức tượng trưng với bánh và rượu chứ chẳng có "máu thịt" gì cả! Nhưng nó đã minh chứng ảnh hưởng của tín ngưỡng Tôtem trong giáo thuyết Kitô giáo. Tín điều "Ba Ngôi" xác định: Chúa Cha, Chúa Con (tức Giêsu) và Thánh Thần (biểu tượng chim bồ câu) chỉ là một. "Ăn thịt, uống máu" Giêsu cũng có nghĩa là của Chúa Thánh Thần, mà Thánh Thần lại chính là "con chim bồ câu", tức Tôtem vật tổ.

"Chúa Thánh Thần" Sản phẩm của công đồng Nikêa
Chương ba của Tông huấn nói về "Chúa Thánh Thần". Ðoạn số 15,18 trong chương này viết : ".Chúa Thánh Thần là mặc khải riêng của Tân Ước.". "Chúa Thánh Thần đã từng hoạt động tại Châu Á vào thời các tổ phụ và ngôn sứ (?), rồi hoạt động mạnh hơn nữa vào thời Ðức Giêsu Kitô và Hội Thánh sơ khai (?),." (S15,18). Ðây là lối nói khoa trương, phóng đại, hoàn toàn không có căn bản từ Thánh Kinh. Thật vậy, nếu trong Cựu ước, "Thần khí" được nhắc đến hơn 300 lần thì trong Tân ước, "Thánh Linh" được nhắc đến rất ít, cụ thể là Gioan nhắc đến 5 lần (Ga 1:32,33 , 3:5,6,8,34 , 7:39, 14:26, 20:22). Matthêu 7 lần (Mt:1:18,20, 3:11,16, 4:1, 10:20, 12:18,28,31,32, 22:43, 28:19). Luca 6 lần (1:15,35,41,67, 2:25,26,27, 3:16,22, 4:1,14,18, 10:21, 11:13). Và ít nhất là Máccô, vỏn vẹn có bốn lần trong toàn bộ Phúc Âm của ông. Lần thứ nhất: lúc Giêsu chịu phép báptêm của Gioan tại sông Giođan (Mc 1:8,10,12). Lần thứ hai: Giêsu trả lời các kinh sư khi họ cho rằng ông bị qủy ám (Mc 3:29). Lần thứ ba: Ða-vít cảm nhận Ðức Thánh Linh (12:36) Lần thứ tư: lúc Giêsu giảng dạy môn đồ (Mc 13:11). Còn "Chúa Thánh Thần" thì hoàn toàn "vắng bóng" cả trong Cựu Ước lẫn Tân Ước. Tất nhiên, người Kitô hữu sẽ nói rằng: "Thần Khí" hay "Thánh Linh" chính là "Chúa Thánh Thần" tức "Ngôi Ba Thiên Chúa". Nhưng đó chỉ là tín điều của Giáo hội buộc tín đồ phải tin, hoàn toàn không có căn cứ..
Chúa Thánh Thần như người ta hiểu ngày nay là: Ðấng thông ban sự sống, Ðấng bảo trợ, hướng dẫn, dìu dắt, là ánh sáng, sức mạnh v.v. Vị Chúa này chỉ được biết đến từ công đồng Nikêa. Mãi 300 năm sau, kể từ ngày Giêsu qua đời, Chúa Thánh Thần mới được "sinh ra", mà lại "sinh ra" trên đất Thổ Nhĩ Kỳ. Người "sinh ra" Chúa Thánh Thần chẳng ai xa lạ, chính là Constantine hoàng đế của đế quốc La Mã. Lịch sử ghi nhận rằng: năm 325 Hội nghị các Giám mục được hoàng đế La Mã là Constantine triệu tập tại Nikêa (Thổ Nhĩ Kỳ) gọi là Công đồng Nikêa-Constantinopoli. Trong công đồng này, người ta đưa ra một số tín điều buộc mọi người phải tin, trong đó có tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi, Ðức Mẹ Ðồng Trinh v.v. các tín điều trên được tóm tắt trong một văn bản mà ngày nay ta gọi là "kinh Tin Kính". Chúa Thánh Thần được "khai sinh" từ đó.
Năm 360, các Giám mục Constantinopoli, Marathôn, Nicomeđia. mà đứng đầu là Maceđôn chủ trương giáo thuyết: "Chúa Thánh Thần cũng chỉ là một tạo vật." Có nhiều chứng cứ từ Cựu Ước lẫn Tân Ước để họ tin như thế. Ngay danh xưng "Thần Khí" cũng đã hàm xúc một cái gì đó được Chúa Cha tạo ra để ban lại cho con người: "Nhờ bởi Thần Khí mà Ngài đã ban cho ta." (Rm 5:5) v.v. Tất nhiên, quan điểm xem Chúa Thánh Thành là tạo vật bị giáo hội bác bỏ.
Năm 381, Công đồng Constantinopoli được triệu tập bởi Hoàng đế Theođosiô (379-395). Công đồng đã phi bác giáo thuyết: Chúa Thánh Thần là tạo vật. Văn kiện "Niềm Tin Tông Ðồ" một lần nữa lại được bổ sung: "Tôi tin kính Ðức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Ðấng ban sự sống. Người bởi Ðức Chúa Cha và Ðức Chúa Con mà ra, người cũng được phụng thờ và tôn vinh với Ðức Chúa Cha và Ðức Chúa Con. Người đã dùng các tiên tri mà phán dạy."

"Chúa Thánh Thần" của Vatican ngày nay
Ðặc điểm của Chúa Thánh Thần thời đó là: ban ơn, che chở, giữ gìn cho các tín đồ. Ngày nay khoa thần học đã "nâng cấp" Chúa Thánh Thần lên rất nhiều bậc. nào là sáng tạo lịch sử, hoạt động và hướng dẫn lịch sử v.v. Ngài là biểu tượng của sức mạnh và là sự khôn ngoan. Trong nhiều trường hợp, Vatican đã "bắt" Chúa Thánh Thần phải "khôn ngoan" đến mức "tinh quái". ".Khi ban Thánh Thần Ðức Kitô cho Giáo hội, là Chúa cũng đồng thời ban hoa trái sứ mạng cứu độ của Ngài cho mọi dân tộc qua mọi thời đại dựa vào việc Giáo hội công bố tin mừng và yêu thương phục vụ gia đình nhân loại. Giáo hội được Chúa Thánh Thần hướng dẫn để đóng vai trò của mình trong việc hoàn thành chương trình của chúa"(S17). Dù "khôn ngoan tinh quái" nhưng Chúa Thánh Thần vẫn bị Vatican đánh lừa, xỏ mũi. Ðọc đoạn trích dẫn trên ta có thể nhận ra ngay dù Chúa có "ban này, ban nọ." cho mọi dân tộc qua mọi thời đại, nhưng phải "dựa vào việc giáo hội công bố.". Nếu không "dựa vào" nghĩa là không được giáo hội "cho phép" thì Chúa muốn ban cũng đành "chào thua.." Nhưng "siêu" nhất là Vatican đã "bắt" Ngài phải "chui tọt" vào trong các tôn giáo như Phật giáo, Ấn giáo, để làm "gián điệp" cho Vatican. "Giáo hội tin chắc rằng ẩn sâu trong các dân tộc, các nền văn hóa và các tôn giáo Á Châu này luôn có một sự khao khát "nước hằng sống", một sự khao khát do chính Chúa Thánh Thần khơi dậy và chỉ mình Ðức Giêsu Cứu Thế mới có thể thoả mãn. Giáo hội trong chờ Chúa Thánh Thần tiếp tục chuẩn bị tâm hồn các dân tộc Á Châu này để họ bước vào cuộc đối thoại với Ðấng Cứu Tinh nhân loại. Dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trong khi thi hành sứ mạng yêu thương và phục vụ, Giáo hội có thể tạo điều kiện cho Ðức Giêsu Kitô và các dân tộc Châu Á gặp gỡ nhau, trong khi các dân tộc ấy tìm kiếm một cuộc sống sung mãn. Chỉ khi nào có cuộc gặp gỡ ấy người ta mới tìm được nước hằng sống đem lại sự sống đời đời, hay cụ thể hơn, cho họ hiểu biết Thiên Chúa chân thật duy nhất và Ðức Giêsu Kitô do Ngài sai đến." (S18).
Người đọc vô tư, khách quan, không thiên kiến khi đọc đoạn trích dẫn trên cũng phải tự hỏi: Chúa toàn năng hay Vaticăn toàn năng? Vì 97% dân chúng phi Kitô giáo ở Châu Á chưa hề biết Giêsu là ai! Chúa Thánh Thần là ai? Chúa không thể tự bộc lộ mình trước quần chúng Châu Á mà phải thông qua Vatican, phải được Vatican tạo điều kiện: "Giáo hội có thể tạo điều kiện cho Ðức Giêsu Kitô và các dân tộc Châu Á gặp gỡ nhau." Ðó là chưa nói đến việc quần chúng Châu Á có "cần gặp" hay không.
Tuy nhiên với phong cách vốn có của mình Vatican cứ tiếp tục giọng điệu quen thuộc: ".hoạt động vừa nhiều vừa đa dạng của Chúa Thánh Thần, Ðấng vẫn tiếp tục gieo các hạt giống chân lý vào các dân tộc, tôn giáo, văn hóa và triết lý của họ."(S15) ".Bất cứ điều gì Thánh Thần làm được trong tâm hồn con người, trong lịch sử các dân tộc, trong các nền văn hóa và trong các tôn giáo, đều là sự chuẩn bị cho tin mừng và có thể hiểu đó cũng chỉ là quy chiếu về Ðức Kitô."(S16). Tuy nhiên, để không bị "hố" trước vấn nạn mà người Châu Á phi Kitô giáo có thể đặt ra là: Giải thích thế nào về con số 3% tín đồ Kitô giáo mà nếu trừ Philippines ra chỉ còn khoảng 1% trong tổng số 3,3 tỷ người trên lục địa Châu Á? Chúa Thánh Thần ở đâu? Ngài đang làm gì? Nếu ".hoạt động vừa nhiều vừa đa dạng của Chúa Thánh Thần" trên lục địa này chỉ mang lại một kết quả "quá ư khiêm nhường" như thế liệu Ngài còn được Vatican "tín nhiệm" không? Giáo Hoàng là người khôn ngoan, nên ông có thể đón trước vấn nạn: "Không được vin cớ Chúa Thánh Thần có mặt khắp nơi để bào chữa cho việc không thể công bố Ðức Giêsu Kitô là vị Cứu Tinh duy nhất và có một không hai."(S16). Nếu Chúa Thánh Thần nghe được, có lẽ Ngài cũng phải "phì cười" và khen ngợi sự thông minh của Giáo Hoàng.
Quyết tâm của Vatican đã đạt đến cao điểm trong tuyên bố của Giáo Hoàng: "Dù Giáo Hội sung sướng nhìn nhận bất cứ điều gì chân thật và thánh thiện trong các truyền thống tôn giáo của Phật giáo, Ấn Ðộ giáo và Hồi giáo đều là phản ánh sự thật đang khai sáng mọi người, nhưng như thế không có nghĩa là giáo hội phải bớt đi nhiệm vụ và quyết tâm của mình, tức tuyên bố một cách dứt khoát Ðức Giêsu Kitô là đường đi, sự thật và sự sống. Thật ra tín đồ trong các tôn giáo ấy vẫn có thể nhận được ơn Chúa và được Ðức Kitô cứu độ ngoài phương thế thông thường mà ngài đã lập ra, điều ấy không loại bỏ việc họ được kêu gọi đến nhận lãnh đức tin và phép Rửa như Chúa hằng muốn cho hết mọi người" (S31)